4 Bệnh Phổ Biến Do Mycoplasma Trên Heo

Ngành chăn nuôi heo luôn phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc kiểm soát các bệnh do vi khuẩn, virus,..gây ra, đặc biệt các bệnh do Mycoplasma gây ra. Đa số các trang trại heo hiện nay luôn tồn tại những mối nguy cơ nhiễm Mycoplasma. Khi bệnh xảy ra sẽ gây thiệt hại kinh tế nặng nề do làm tăng tỷ lệ loại thải, giảm chỉ số chuyển đổi thức ăn và tạo cơ hội cho sự kế phát của các vi sinh vật gây bệnh khác.

Mycoplasma spp có nhiều dạng khác nhau gây ra những nhóm bệnh phổ biến trên heo. Khi các yếu tố bất lợi như sự thay đổi thời tiết đột ngột, chuồng trại kém vệ sinh, dinh dưỡng kém …Mycoplasma sẽ tăng độc lực tấn công vật chủ gây bệnh.

1. Bệnh do Mycoplasma suis- Thiếu máu truyền nhiễm trên heo

Bệnh do Mycoplasma suis gây ra. Bệnh gây nhiễm ở mọi lứa tuổi. Ở heo con theo mẹ, vi khuẩn có thể gây bệnh thiếu máu nhiễm trùng cấp tính, heo con bị gầy yếu nghiêm trọng, thiếu đường huyết và có thể dẫn đến chết cấp tính. Ở heo nái, M. suis có thể gây bệnh cấp tính, đường huyết thấp dẫn đến hôn mê và đột tử; hoặc ở dạng nhẹ hơn M. suis gây giảm khả năng thụ thai, tăng tỷ lệ lên giống lại và mất sữa.

Heo-còi-cọc,-vàng-da,-chậm-lớn

Heo bệnh có triệu chứng dễ nhầm lẫn với các bệnh phổ biến khác như bệnh do Circovirus type 2, bệnh do Leptospira, bệnh do thiếu sắt… và có thể do việc sử dụng thường xuyên kháng sinh nhóm tetracycline trong phòng – trị bệnh trên heo đã giảm đi dấu hiệu lâm sàng khiến việc chẩn đoán và kiểm soát bệnh không được chặt chẽ, dẫn đến M. suis lây nhiễm nhanh bên trong trại và giữa các trại heo, nhất là tại Việt Nam. Tỷ lệ trại heo nhiễm M. suis có thể rất cao, và tỷ lệ heo nhiễm có thể đến 80-100%.

M.suis là vi khuẩn cư trú trên và trong hồng cầu nên hầu như chỉ lây nhiễm qua đường máu, không lây qua nước bọt, nước tiểu hay tinh dịch. Ngoài ra, heo còn có thể bị lây nhiễm M. suis qua các dụng cụ thú y (kim tiêm, dụng cụ phẫu thuật), vết chích côn trùng hút máu… Stress do nhiệt độ, ẩm độ, thiến heo… là những yếu tố nguy cơ làm lây lan dịch bệnh do M. suis. Sự lây nhiễm từ bên ngoài chủ yếu do việc nhập heo nhiễm vào trong trại.

Triệu chứng thể cấp tính:

  • Heo vàng da, xanh xao, gầy yếu, phát triển kém, vành tai có thể có màu tím bầm.
  • Heo con sơ sinh đến 5 ngày tuổi, có thể xuất hiện dấu hiệu yếu chân, heo con run, đi không vững, co giật do hạ đường huyết.
  • Heo choai, thịt, biểu hiện lờ đờ, có thể có tình trạng giảm lượng đường trong máu, co giật, thậm chí hôn mê và chết.
  • Tỷ lệ chết, loại thải cao 50 – 60%, một vài trường hợp có thể đến 90% (thể cấp).
  • Heo nái nhiễm M. suis có thể dẫn đến tình trạng mất sữa ở 1 ngày sau sinh và kéo dài 4 – 6 ngày làm tăng tỷ lệ chết ở heo con theo mẹ đến 18%. Điểm đặc biệt là nái không có dấu hiệu sốt, bỏ ăn, và không bị viêm vú. Tình trạng chỉ xuất hiện ở nái dương tính với M. suis và được khắc phục sau khi nái được cho ăn chlortetracycline với liều 22 mg/kg/ngày trong vòng 2 tuần (Strait et al., 2012).
  • Heo nái nhiễm M. suis thể cấp ngoài những dấu hiệu trên còn kèm theo sốt cao (40 – 41OC), chậm lên giống, có thể sẩy thai, gia tăng số heo chết khi sinh, năng suất sinh sản thấp.
  • Heo-co-giật-do-hạ-đường-huyết

Thể mạn tính:

Heo bệnh M. suis thể mãn thể trạng kém, biểu hiện vàng da, chậm lớn, da khô, lông xù, suy giảm miễn dịch khiến heo dễ mẫn cảm với các bệnh trên đường hô hấp và đường tiêu hoá.

2. Bệnh do Mycoplasma hyopneumoniae – Suyễn heo

Bệnh suyễn lợn thường được dùng để chỉ bệnh do Mycoplasma hyopneumoniae ghép với một số vi khuẩn gây bệnh đường hô hấp. Nếu ghép với một số virus gây hội chứng được gọi là bệnh đường hô hấp phức hợp ở lợn (PRDC).

Giai đoạn đầu phổi viêm nhẹ đối xứng 2 bên, nhục hoá màu sẫm như thịt

Bệnh thường xảy ra rất phổ biến ở heo 2 tuần sau cai sữa ngay khi hết kháng thể mẹ truyền, nhưng bệnh trở lên trầm trọng ở giai đoạn nuôi thịt, đặc biệt ở tuần tuổi từ 12 – 14.

Bệnh do M. hyopneumoniae có thể truyền từ mẹ cho con, lây nhiễm qua tiếp xúc, qua không khí, dụng cụ, trang thiết bị vấy nhiễm, qua con người và động vật hoang dã.

Thể cấp tính:

  • Heo ủ rũ, ho, khó thở. Bệnh phát ra đột ngột, lợn tách khỏi đàn, con vật hắt hơi từng hồi sau đó ho.
  • Ho kéo dài trong 2 – 3 tuần rồi giảm ho.
  • Khi phổi bị tổn thương, con vật biểu hiện khó thở, thở nhanh và nhiều, tần số hô hấp tăng.
  • Heo ngồi và há hốc mồm để thở, thở dốc, hóp bụng để thở.
  • Một số lợn bệnh chảy nước mắt, nước mũi và sùi bọt mép, niêm mạc miệng, mũi, mắt thâm tím do thiếu oxy.
  • Thân nhiệt không cao, con vật chỉ số cao khi các vi khuẩn kế phát tấn công.
  • Heo chết nhiều ở đàn mới mắc bệnh lần đầu, qua được giai đoạn này, bệnh chuyển sang thể mãn tính.

suyễn heo

Heo khó thở, ngồi thở như chó ngồi

Heo-còi-cọc,-mắt-có-dử

Heo-còi-cọc,-mắt-có-dử

Thể mạn tính:

  • Con vật ho kéo dài trong vài tuần, vài tháng, ho khan, nôn mửa.
  • Khi ho heo đứng một chỗ lưng cong lên, cổ vươn ra, cúi mõm xuống để ho cho đến khi long đờm ra thì cơn ho mới dừng. Heo khó thở nặng.
  • Bệnh tiến triển vài tháng, có khi nửa năm.
  • Nếu điều kiện chăn nuôi không thuận lợi, Heo không khỏi mà chuyển sang thể ẩn tính.
  • Thể này gặp chủ yếu ở heo đực và heo trưởng thành với các triệu chứng không thể hiện rõ, chỉ thỉnh thoảng ho nhẹ

3. Bệnh do Mycoplasma hyorhinis

Mycoplasma hyorhinis (M. hyorhinis) gây bệnh thấp khớp hay viêm khớp trên lợn ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất là lợn sau cai sữa từ 3 – 10 tuần tuổi. Thời gian ủ bệnh khoảng 3 đến 10 ngày thường có thể xảy ra sau stress, chẳng hạn như chuyển chuồng, vận chuyển hoặc chích vắc xin.

Bệnh gây ra triệu chứng điển hình: khớp xương sưng to, nóng, đỏ và ấn tay vào heo có phản ứng đau. Heo nằm 1 chỗ ít đi lại, đứng lên nằm xuống rất khó khăn. Heo bị sốt, kém hoặc không ăn uống. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời thì chỗ viêm sẽ sinh mủ ứ trong xoang khớp viêm đa xoang, màng hoạt dịch ở thể mãn tính dẫn đến sự tăng trưởng và năng suất bị tổn hại.

 

mycoplasma trên heo

Heo sưng khớp, khó đi lại

Bệnh tích điển hình của lợn nhiễm M. hyorhinis là viêm phủ fibrin kín toàn bộ bề mặt tim, viêm phổi, bên trong khớp có dịch viêm, viêm fibrin đa xoang và có thể gây nhiễm trùng toàn thân.

111

4. Bệnh do Mycoplasma hyosynoviae

Mycoplasma hyosynoviae là vi khuẩn thuộc nhóm Mycoplasma, không có thành tế bào. Vi khuẩn đầu tiên nhân lên ở đường hô hấp trên của lợn, xâm nhiễm amidan và có thể tồn tại thời gian dài.

Heo bị nhiễm bệnh do tiếp xúc trực tiếp qua miệng-mũi. Trong vòng 10 ngày sau khi nhiễm, vi khuẩn di chuyển từ đường hô hấp trên đến khớp và gây viêm khớp gây thoái hóa xương sụn.

viêm khớp gây thoái hóa xương sụn

Mycoplasma hyosynoviae có thể nhiễm ở heo ở mọi lứa tuổi, đặc biệt từ 10-24 tuần tuổi. Mặc dù vi khuẩn tác động đầu tiên hệ hô hấp nhưng không thể thấy triệu chứng nào trong giai đoạn này. Triệu chứng điển hình của heo có biểu hiện lông khô, viêm khớp, sưng khớp, đi khập khiễng, ngồi như chó ngồi. Tỷ lệ chết rất thấp nhưng tỷ lệ nhiễm có thể lên tới 50%. Các dấu hiệu lâm sàng có xu hướng tự giảm dần sau 10 ngày.

Bệnh tích điển hình các khớp sứng chứa đầy chất dịch màu vàng đến nâu

Bệnh tích điển hình các khớp sứng chứa đầy chất dịch màu vàng đến nâu, kèm theo sự dày lên và phù nề của màng hoạt dịch. phì đại nhung mao trên màng hoạt dịch.

5. Phòng và trị bệnh do mycoplasma trên heo

Các phương pháp phòng bệnh do Mycoplasma spp gây ra đều cần đảm bảo an toàn sinh học, vệ sinh chuồng trại sạch se, độ thông thoáng tốt, hạn chế các yếu tố stress-nguy cơ gây bùng phát dịch bệnh.

Các giải pháp nâng cao sức đề kháng như chú trong vào dinh dưỡng và chăn nuôi tốt.

Giải pháp điều trị bệnh bằng kháng sinh thường được lựa chọn. Do đặc tinh Mycoplasma không có thành tế bào nên các kháng sinh nhóm Beta-Lactam không có hiệu quả. Các nhóm kháng sinh thường được ưu tiên sử dụng nhiều như: tetracyclines, tiamulin, lincomycin, oxytetracyclin,..kết hợp các bổ sức, tăng lực, phục hồi các chức năng do bệnh gây ra.

Tác giả: Thú Y Xanh Việt Nam

Gọi điện thoại
0971.680.333
Chat Zalo